°
Đánh giá chất lượng về cung cấp DVC Sở LĐTBXH
104 người đã bình chọn

Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn

Đăng ngày 13 - 11 - 2023
Lượt xem: 219
100%

Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn

 

Hiện nay, hoạt động mại dâm “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện như khách sạn, vũ trường, quán cà phê, tiệm cắt tóc, gội đầu, mát-xa... tiếp tục diễn biến phức tạp, khó phát hiện. Nhiều đối tượng hình thành các “hội nhóm kín” để tổ chức hoạt động mại dâm với sự tham gia của sinh viên, người mẫu, diễn viên, tiếp viên... Ngoài ra, tình trạng người nước ngoài đến Việt Nam tổ chức các đường dây mại dâm cũng đã xuất hiện trở lại.
Phức tạp mại dâm “biến tướng”

Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, do chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình tệ nạn mại dâm có xu hướng “tạm thời” lắng xuống. Tuy nhiên, từ quý II/2022 đến nay, khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, tệ nạn mại dâm xuất hiện trở lại, có chiều hướng diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng về quy mô, tính chất. Hoạt động mại dâm ở nơi công cộng hầu như ít xuất hiện, thay vào đó là những phương thức mới, thủ đoạn biến tướng, kín đáo, khó phát hiện.

Hình thức phổ biến nhất hiện nay là mại dâm theo “hợp đồng”, đường dây “gái gọi”  sử dụng công nghệ cao (qua điện thoại di động, mạng internet, facebook, zalo,...) diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có cả yếu tố nước ngoài thông qua các hình thức như thuê người yêu, nhận con nuôi, bố nuôi (sugar-baby, sugar-dady), tổ chức tour du lịch trong nước và ngoài nước... để tổ chức hoạt động mua bán dâm.

Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2023, dư luận trong nước lại xôn xao trước một số vụ án mại dâm có sự tham gia của người mẫu, diễn viên, tiếp viên xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Cụ thể, ngày 19/07/2023, lực lượng Công an kiểm tra khách sạn Bonka, số 884 Trần Hưng Đạo, phường 7, quận 5 và bắt giữ 2 đối tượng người Hàn Quốc là Kim Tea Hyung (SN 1975) và Cha Jinyoung (SN 1977) để điều tra về đường dây tổ chức mại dâm. Qua lời khai ban đầu, các đối tượng chỉ đạo quản lý người Việt trực tiếp điều tiếp viên nữ đến các khách sạn, chung cư trên địa bàn để bán dâm với giá từ 2,3 - 3,8 triệu đồng/lượt, khách mua dâm thanh toán trực tiếp cho quản lý nhà hàng.

Đến ngày 09/8/2023, tiến hành kiểm tra khách sạn trên đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, cơ quan Công an đã bắt quả tang 4 cô gái đang bán dâm. Qua điều tra ban đầu, có 03 người là tiếp viên hàng không, 01 người là hot girl kiêm người mẫu ảnh do đối tượng Vỏ Thị Mỷ Hạnh (SN 1997, trú quận Gò Vấp) cầm đầu đường dây rủ rê "đi khách" với giá 1.000 đô la/lượt và tăng lên 3.000 đô la/lượt (nếu qua đêm). Hạnh nhận tiền của khách và giữ lại 07 triệu đồng/lần "phí môi giới".

Đối tượng Hạnh bị cơ quan điều tra bắt giữ về hành vi Môi giới mại dâm”Được biết, Hạnh cũng là tiếp viên hàng không đã nghỉ việc, đang quản lý hội nhóm với khoảng 30 gái bán dâm phục vụ nhu cầu các đại gia tại nhiều tỉnh, thành phố.

Mở rộng chuyên án, ngày 15/9/2023, Công an TP.HCM tiếp tục kiểm tra tòa nhà Oakwood Residence Saigon, phường Tân Phong, quận 7 và khách sạn La Galerie, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, phát hiện bốn cặp nam nữ đang mua bán dâm.

Triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp cho người bán dâm

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đến tháng 6/2023, cả nước có 15 địa phương tiếp tục triển khai theo 03 khung mô hình thí điểm của Chương trình phòng, chống mại dâm (tăng 4 địa phương so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 31 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 34 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 16 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Trong 06 tháng đầu năm 2023, cả nước có 6.088 lượt người bán dâm có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; 7.306 lượt người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ, tư vấn (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: 100 lượt người được hỗ trợ giáo dục; 609 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 2.602 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe; 3.865 lượt người được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 05 lượt người được học nghề, tạo việc làm; 01 người được hỗ trợ vay vốn và 126 người được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ/nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực.

Theo đó, tất cả người bán dâm có nhu cầu đều được tiếp cận các dịch vụ xã hội, không phân biệt giới tính, dân tộc, hoàn cảnh... nhằm hỗ trợ can thiệp giảm hại về lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe tình dục, phòng chống bạo lực giới,...

Tuy nhiên, trong thực tiễn, công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm còn nhiều nội dung vướng mắc, khó khăn do người bán dâm thường bị kỳ thị nên “e ngại” khi tiếp cận với các dịch vụ xã hội; hệ thống cung cấp dịch vụ chưa “phủ sóng” ở tất cả các địa phương;...

Thời gian tới, trong công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống mại dâm, các cấp, các ngành chức năng cần tập trung làm tốt công tác truyền thông chính sách, tư vấn về tác hại của tệ nạn mại dâm; phân loại “nhu cầu” của từng đối tượng; tư vấn, giới thiệu về các dịch vụ xã hội để người bán dâm tìm hiểu, đề xuất nhu cầu và hướng dẫn họ tiếp cận với loại hình dịch vụ xã hội phù hợp tại địa phương... dựa trên cách tiếp cận toàn diện về thời điểm hỗ trợ (người đang bán dâm có nhu cầu; người bán dâm có ý định từ bỏ hoặc giảm bớt tần suất bán dâm; người bán dâm hoàn lương) và các gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, toàn diện để hỗ trợ người bán dâm có nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.

Bên cạnh đó, những người bán dâm (trừ đối tượng cầm đầu, môi giới...) và người mua dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức thấp, chưa đủ sức răn đe... do vậy, cùng với công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt phá hoạt động mại dâm thì các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt hành chính với cả người mua dâm lẫn người bán dâm nhằm kiểm soát và kéo giảm hoạt động mại dâm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021.

Cụ thể là xây dựng, nhân rộng có hiệu quả các mô hình thí điểm chính sách hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tệ nạn mại dâm./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy(06/11/2024 7:49 SA)

Tổ chức thăm gặp giữa thân nhân gia đình học viên và học viên(13/05/2024 1:59 CH)

Tình hình, kết quả công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy năm 2023(02/02/2024 8:40 SA)

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy(23/01/2024 7:52 SA)

Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống ma túy và xét nghiệm HIV cho học viên đang điều trị cai...(02/01/2024 9:27 SA)

19 người đang online