°
Đánh giá chất lượng về cung cấp DVC Sở LĐTBXH
98 người đã bình chọn

GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG LANG THANG XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Đăng ngày 12 - 07 - 2024
Lượt xem: 75
100%

GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG LANG THANG XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

 

          Toàn tỉnh hiện có trên 15.216 người khuyết tật, trong đó có 10.973 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội. Đây là con số khá lớn so với tỉnh có quy mô dân số nhỏ như Ninh Thuận, và chỉ có hơn 72 % người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có Trung tâm công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc khoảng 290 người, 2 cơ sở bảo trợ tư nhân chăm sóc khoảng 100 người, 3 cơ sở giáo dục, chăm sóc, hổ trợ khoảng 180 người, số còn lại đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đinh.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế có cuộc sống tốt hơn. HĐND tỉnh đã  ban hành Nghị quyết nâng mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cụ thể nâng mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho nhóm đối tượng hưởng hệ số từ 4,0 lên 5,0 và từ 5,0 lên 6,0. Riêng Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tích cực vận động hổ trợ của các nhà hảo tâm, nhất là đã kết nối với Công ty cổ phần Nam Núi Chúa hỗ trợ thêm tiền ăn hàng ngày, sinh nhật hàng tháng, hoạt động tham quan dã ngoại hàng quý và hổ trợ học nghề, học cao đẳng, đại học cho trẻ mồ côi đang nuôi dưỡng tại Trung tâm, kết nối với Trường Liên cấp Hoa Sen tỉnh nhận 03 trẻ mồ côi học mẫu giáo được miễn phí toàn bộ các khoản đóng góp.

           Nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cũng như sự tích cực hưởng ứng của toàn xã hội nên công tác nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật thời gian qua dù gặp không ít khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, khích lệ. Đặc biệt, các chính sách an sinh xã hội đã đi sâu vào đời sống của Nhân dân; 100% đối tượng yếu thế nói chung và người khuyết tật nói riêng được hưởng trợ giúp xã hội và nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ, kịp thời và đúng quy định. Qua đó, người khuyết tật được quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần, bằng cả trách nhiệm lẫn nghĩa tình, giúp người khuyết tật phát huy giá trị và khả năng của bản thân để sớm hòa nhập cuộc sống.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, mức chuẩn trợ giúp xã hội chỉ bằng mức chuẩn theo quy định, tức 360.000 đồng và từ ngày 01/7/2024 tăng lên 500.000 đồng; đồng thời, đời sống một bộ phận Nhân dân còn khó khăn nên vẫn còn những hoàn cảnh rất đáng thương, phải lang thang xin ăn. Bên cạnh đó, vẫn có một số người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa sau khi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội được gia đình bảo lãnh về nhà  lại tiếp tục lang thang xin ăn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và hoạt động du dịch của tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 3/2024 vừa qua, trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm xuất hiện tình trạng một số đối tượng “bắt tay” với người khuyết tật ở ngoài tỉnh bán hàng rong, xin ăn đã bị Công an thành phố xử lý theo quy định.

         Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại trên là do công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt, xuyên suốt, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, người lang thang xin ăn thường xuyên di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, địa điểm này sang địa điểm khác; việc chứng minh hành vi chăn dắt cấu thành tội hành hạ người khác để xử lý hình sự gặp khó khăn, chế tài xử lý hành chính hành vi chăn dắt chưa đủ mạnh. Ngoài ra, hầu hết gia đình có đối tượng lang thang xin ăn có hoàn cảnh rất khó khăn, sau khi  ở các cơ sở bảo trợ xã hội về nhà, để có tiền họ tiếp tục nhờ tình thương và lòng nhân ái của cộng đồng.

Để chấm dứt tình trạng lang thang xin ăn, góp phần phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch và kinh tế ban đêm của tỉnh, cũng như bảo đảm mỹ quan đô thị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tập trung các giải pháp chủ yếu sau đây:

Truốc hết, giải quyết tình trạng lang thang xin ăn phải gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và kế hoach phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 39- CT/TW ngày 01/11/2019  của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án hổ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 954/KH-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Công văn số 4706/UBND-VXNV ngày 9/11/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc tập trung, chăm sóc người lang thang xin ăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hay ngoài công lập chỉ là biện pháp hành chính tạm thời. Do đó, biện pháp quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng tham gia, nhất là  tạo công ăn việc làm, thành lập cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, hổ trợ học văn hóa, học nghề, học cao đẳng, đại học cho trẻ mồ côi. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội,  quản lý chặt chẽ  đối tượng lang thang xin ăn địa bàn mình; xử lý nghiêm các hành vi chăn dắt theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời  thông tin, đưa đối tượng về lại nơi cư trú;  đặc biệt, ngoài mong muốn và khát vọng vượt qua rào cản của khiếm khuyết và khó khăn của người khuyết tật trong hành trình chinh phục và hướng đến tương lai sáng lạn, rất cần trách nhiệm lẫn nghĩa tình của những tấm lòng nhân ái, song phải đặt lòng nhân ái đúng lúc, đúng chỗ, nếu không thì vô hình trung tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, hàng năm cần tiến hành rà soát các đối tượng tâm thần, người già neo đơn, trẻ em mồ côi không có điều kiện sống tại cộng đồng, hướng dẫn lập hồ sơ tiếp nhận vào các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc. Tham vấn tâm lý trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý tại gia đình cho thân nhân các đối tượng tâm thần sau khi được điều trị trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, tránh tiếp tục lang thang xin ăn.

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đẩy mạnh thực hiện  Công văn số 1045/SLĐTBXH-NCCXH ngày 24/4/2020 triển khai Kế hoạch 954/KH-UBND ngày 27/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết tình trạng lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Công văn số 3641/SLĐTBXH-NCCXH ngày 21/12/2023 về tăng cường tình công tác phối hợp giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, phân loại, chuyển tuyến, nuôi dưỡng  người tâm thần lang thang, trẻ em mồ côi, người già lang thang xin ăn không nơi nương tựa do các địa phương đề nghị tập trung nuôi dưỡng theo quy định.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh quan tâm kết nối, hỗ trợ bệnh nhân tâm thần sau khi điều trị bệnh...(14/06/2024 2:47 CH)

TRÁCH NHIỆM CỦA LÒNG NHÂN ÁI(17/04/2024 4:14 CH)

LẮNG ĐỌNG YÊU THƯƠNG(11/04/2024 4:12 CH)

TEAM CẮT TÓC 0 ĐỒNG(05/04/2024 2:24 CH)

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” lần thứ 8 năm 2024(19/03/2024 7:27 SA)

28 người đang online