Nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ người nghèo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Nhằm giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, trong năm 2023 và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đồng hành, chăm lo, giúp đỡ người nghèo bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023 được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung triển khai với các giải pháp đổi mới, sáng tạo nhằm huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền về phong trào, mục đích, ý nghĩa công tác vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được tăng cường trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Nhờ vậy, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ được trên 15 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 127 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ quà Tết, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ sinh kế... với tổng số tiền trên 9,2 tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ký kết, triển khai thực hiện kế hoạch mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng một mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025; phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Qua một năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 63 mô hình (trong đó, có 50 mô hình chăn nuôi, 12 mô hình sản xuất và 1 mô hình hỗ trợ ngư lưới cụ) với 1.349 hộ (1.021 hộ nghèo, 227 hộ cận nghèo và 101 hộ mới thoát nghèo) tham gia; kinh phí thực hiện trên 38,664 tỷ đồng (trong đó, có 20,448 tỷ đồng là vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; vốn đối ứng từ người dân là 18,180 tỷ đồng). Mô hình “Phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo” của các tổ chức tôn giáo đã phát huy hiệu quả; có nhiều hộ nghèo được các tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở, sinh kế. Điển hình như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hỗ trợ 3 con bò giống cho 3 hộ nghèo và 15 triệu đồng vốn sinh kế cho 1 hộ với tổng trị giá 60 triệu đồng; Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh hỗ trợ 18 triệu cho 1 hộ sửa chữa nhà ở và 2 hộ có vốn buôn bán nhỏ sớm ổn định cuộc sống gia đình...
Để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, các đơn vị, đoàn thể, nhà hảo tâm cũng triển khai, nhân rộng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Nổi bật như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” đến nay đã vận động các cấp hội, nhà hảo tâm nhận hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 272 trẻ em mồ côi cha, mẹ; Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận nuôi 2 cháu người đồng bào Raglai đến tuổi trưởng thành và đỡ đầu 68 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai các hoạt động trên các lĩnh vực trong năm 2023 với tổng kinh phí hơn 41,3 tỷ đồng, trợ giúp 135.479 hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em, học sinh nghèo, khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Báo Ninh Thuận phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) trao học bổng năm học 2023-2024 cho 122 học sinh và 11 sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 1,062 tỷ đồng...
Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho hộ nghèo, cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngày 28/12/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết giai đoạn 2023-2025, phấn đấu đảm bảo cho 1.243 hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở ổn định. Triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023-2025, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã có kế hoạch xây dựng, phấn đấu bàn giao 116 căn nhà trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để các hộ có nhà ở kiên cố, đón năm mới vui tươi, đầm ấm. Cùng với đó, tỉnh thành lập 7 đoàn thăm, tặng 700 suất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 350 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”. Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức mô hình “Gian hàng 0 đồng”; vận động nguồn lực, thăm, tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi nhà, mọi người được vui xuân, đón Tết.
Phát huy vai trò cầu nối gắn kết và điều phối trong hoạt động nhân đạo, trong tháng 11/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào “Tết nhân ái” xuân Giáp Thìn 2024, phấn đấu vận động, trao tặng ít nhất 14.500 suất quà (mỗi huyện, thành phố vận động từ 2.500-3.000 suất quà) cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết với tổng trị giá hoạt động phong trào đạt 5 tỷ đồng, giá trị suất quà trị giá tối thiểu từ 100.000 đồng trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức “Hội chợ Tết nhân ái” 2024 cấp trung ương vào ngày 28/1/2024 tại Trường THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) với số lượng 500 suất quà (500.000 đồng/suất) giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và những người dễ bị tổn thương trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện vui xuân, đón Tết của dân tộc.