Tỉnh Ninh Thuận triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Từ ngày 21 - 23/12/2023, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban, làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2026 tại tỉnh Ninh Thuận. Tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát có các đồng chí: Trần Hải, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Trương Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan là thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh…
Đoàn Giám sát làm việc với Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Ninh Thuận
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, qua hơn 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo bền vững đã được các ngành, các cấp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả. Ban chỉ đạo thực hiện chương trình ở các cấp được thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách giảm nghèo như tạo điều kiện về vay vốn, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, phương tiện thông tin... được giải quyết, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, nâng cao dân trí và thu nhập cho người dân.
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến nay đã trở thành một phong trào sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, phong trào tiếp tục lan tỏa trong toàn xã hội bằng những nghĩa cử cao đẹp và việc làm thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh: Giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 bằng việc lập cây ATM phát gạo miễn phí cho người nghèo hay thành lập “Siêu thị 0 đồng” hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu và khẩu trang để phòng, chống dịch cho nhân dân...
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ninh Thuận đã giảm từ 7,82% năm 2021 xuống còn 5,93% năm 2022, tỷ lệ giảm 1,89%, đạt 126% chỉ tiêu UBND giao (1,5%/năm), riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 5,28%. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo quyết định số 1805/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì toàn tỉnh có số hộ nghèo là 7.874 hộ, chiếm tỷ lệ 4,21%, thấp hơn 1,72% so với năm 2022 đạt 115% chỉ tiêu UBND tỉnh giao (1,5%).
Trong thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, nhiều gương điển hình, nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, đã giúp cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được trong thực hiện phong trào tại tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể trong mô hình chuỗi giá trị, việc ban hành đồng bộ và cụ thể các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, việc triển khai mô hình giảm nghèo bền vững tại từng xã, phường…
Thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của tỉnh, Đoàn Giám sát đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức đa dạng, sát thực tiễn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời phát hiện, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó; quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng để góp phần tham mưu xây dựng quy định, quy chế, triển khai đồng bộ, hiệu quả các phong trào thi đua, thẩm định khen thưởng đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng quy định.
Anh Thành Lai Chu, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Phát, thôn xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc giới thiệu về “Mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cây nha đam”
Trong chương trình công tác, Đoàn Giám sát đã tham quan, khảo sát “Mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cây nha đam” tại thôn xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc. Mô hình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh làm chủ đầu tư, Hợp tác xã Sơn Phát của anh Thành Lai Chu, dân tộc Chăm chủ trì. Có 32 hộ nghèo, cận nghèo (là người dân tộc Raglai) tham gia dự án. Dự án đã góp phần phát triển sản xuất gắn với giảm nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho 300 lao động thường xuyên tại địa phương. Đoàn Giám sát cũng tham quan, khảo sát “Mô hình trồng cây măng tây xanh” tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Đây là mô hình của tỉnh, thí điểm tại thôn Tuấn Tú, sử dụng nguồn vốn từ trung ương. HTX được giao giúp 24 hộ thoát nghèo trong 2 năm và hiện nay đã hoàn thành.