Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, NCT, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần TGXH giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh
Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, NCT, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần TGXH giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh
Page Content
Ngày 02/6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2219/KH-UBND về việc phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Kế hoạch nêu rõ quan điểm của Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội là nhiệm vụ quan trọng và là một bộ phận cần đặc biệt chú trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển an sinh xã hội trong tình hình mới. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện công tác.
Đối tượng thụ hưởng theo Kế hoạch là: Người có công, Người cao tuổi, Người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội. Phạm vi thực hiện bao gồm: các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng; cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở cai nghiện ma túy do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (gọi tắt cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động – xã hội). Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến năm 2030, chia theo 02 giai đoạn: Từ năm 2021 - 2025 và từ năm 2026 - 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030: 100% cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội trên địa bàn tỉnh bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng; Tối thiểu 30% cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được ít nhất 80% danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh của y tế tuyến xã; 100% đối tượng đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ lao động - xã hội được quản lý, theo dõi sức khỏe. Phối hợp triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của ngành y tế; Đầu tư, nâng cấp, mua sắm, hiện đại hoá trang thiết bị đối với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ lao động - xã hội theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Củng cố, hoàn thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động- xã hội; đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng.
Các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ của chương trình, kế hoạch thực hiện theo quy định. Bảo đảm nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình tại địa phương, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình và đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.
Nguyễn Thị Diệp - Phòng NCCXH