°
Đánh giá chất lượng về cung cấp DVC Sở LĐTBXH
123 người đã bình chọn

CHUẨN BỊ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO ĐỂ ĐÓN "SÓNG" ĐẦU TƯ

Đăng ngày 03 - 09 - 2021
Lượt xem: 337
100%

 

 Nhân lực là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng vai trò chủ đạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy nhanh, bền vững yêu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đó.

Thiếu hụt trầm trọng lao động chất lượng cao:

Trong những năm qua, GDNN đã từng bước được đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về số lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu trình độ, ngành nghề, chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của DN, đặc biệt là khối DN FDI, các DN đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao.


GDNN cần phát huy vai trò trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực; khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động (NLĐ) còn nhiều hạn chế; trình độ ngoại ngữ, tin học của hầu hết NLĐ còn thấp; tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động chưa cao... 

Theo Báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành với 76 DN sản xuất trong và ngoài nước mới đây cho thấy: NLĐ tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản tốt, chăm chỉ học tập, rèn luyện, tuân thủ các quy định, vận hành, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh. Tuy nhiên, trách nhiệm của NLĐ đối với DN chưa được đánh giá cao, năng lực giao tiếp, làm việc nhóm, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tổ chức thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu... 

Trong khi nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các DN vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động, chủ yếu là lao động có kỹ năng nghề. Nhiều DN đã phải thuê lao động nước ngoài... Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không đáp ứng được yêu cầu về nguồn lao động; đất nước đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực và đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp.

Giáo dục nghề nghiệp cần bứt phá để nâng cao chất lượng:

Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế như gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… và dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức cho kinh tế Việt Nam nói chung và GDNN nói riêng.

Trong bối cảnh đó, GDNN cần được đảm bảo hoạt động nói chung, nâng cao chất lượng đào tạo nói riêng, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm bền vững và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước hết, các Bộ, ngành chức năng cần điều chỉnh cơ cấu trình độ lao động cho hợp lý, các trường nghề cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào. 

Thực tế hiện nay, GDNN không chỉ thiếu về số lượng mà còn bất cập về chất lượng đầu vào do hầu hết các em vào học nghề là sự lựa chọn cuối, trong khi yêu cầu đầu ra cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN về cả kiến thức, kỹ năng, thái độ. Do đó, điều chỉnh cơ cấu trình độ hợp lý trong lực lượng lao động, tạo cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến trong tương lai để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về vai trò của GDNN đối với toàn xã hội là giải pháp rất quan trọng.

Thứ hai, các trường cần tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu giảng dạy vừa lý thuyết, vừa thực hành. Trong đó chú trọng xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn tốt và chuyên gia nước ngoài, kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã và đang làm việc tại DN tham gia giảng dạy.

Thứ ba, đổi mới đào tạo theo mô hình trường học thông minh. Mô hình quản lý nhà trường hiện nay tương đối cồng kềnh, hiệu quả không cao, khó đáp ứng được với yêu cầu phát triển. Quản trị nhà trường cần thay đổi mô hình đào tạo theo hướng công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Thứ tư, tiếp tục chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị, trong đó tập trung đầu tư theo ngành, nghề theo chuẩn theo hướng thiết bị công nghệ cao vừa phục vụ đào tạo, vừa phục vụ nghiên cứu, sản xuất. 

Thứ năm, tăng cường gắn kết đào tạo với DN. Các cơ sở GDNN cần hướng đến tổ chức đào tạo tại DN, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ. Ngành GDNN cần hướng đến thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, các Bộ, ngành, các DN để dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN. 

        Trên đây là một số giải pháp gợi mở, trong rất nhiều các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ để làm chuyển biến một cách mạnh mẽ hoạt động GDNN hiện nay, từ đó đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cao phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, cũng như trong tiến trình hội nhập.

 (Nguồn tin trang điện tử Tổng cục GDNN)


Tin liên quan

Tin mới nhất

Chính sách đánh giá kỹ năng nghề lấy con người làm trung tâm(27/04/2023 8:53 SA)

"Để doanh nghiệp cũng là môi trường đào tạo thứ hai cho người học". (24/04/2023 9:20 SA)

Thông báo tuyển chọn thực tập sinh nữ đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản – đợt 01/2023(13/03/2023 10:39 SA)

2 giải pháp trọng tâm và 5 trụ cột cơ bản để nâng cao kỹ năng nghề(14/02/2023 2:29 CH)

Ban hành Chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia(04/11/2022 10:49 SA)

54 người đang online