Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2023. Về cơ bản, Luật Thanh tra năm 2022 đã khắc phục được những hạn chế còn tồn tại của Luật Thanh tra năm 2010 và đã đưa được quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào quy định pháp luật thanh tra, cụ thể như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá 12, Nghị quyết số 26-NQ/TW, đặc biệt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt, hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra phải thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Để thể chế hoá các quy định trên, nhiều quy định pháp luật đã được quy định cụ thể trong Luật Thanh tra, đặc biệt là chế định pháp luật liên quan đến việc ban hành kết luận thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra. Trong đó việc công khai kết luận thanh tra đã có những quy định mới giúp cho các cơ quan, tổ chức, báo chí, công dân tiếp cận dễ dàng hơn so với Luật Thanh tra năm 2010, cụ thể:
– Về nội dung thanh tra: theo Khoản 2, Điều 79 quy định: Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.
Như vậy, các kết luận thanh tra khi thực hiện công khai thì phải công khai toàn văn kết luận thanh tra, để khắc phục việc một số kết luận thanh tra trước đây chỉ công khai tóm tắt nội dung kết luận thanh tra như trước đây, do tại Điều 39 Luật Thanh tra 2010 quy định: “Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Do quy định chưa cụ thể này (trước khi có Luật Thanh tra năm 2022), các cơ quan thanh tra chủ yếu thông báo tóm tắt nội dung kết luận thanh tra vì các cơ quan thanh tra còn ngại va chạm với các cơ quan báo chí, cơ quan ngôn luận khác, đặc biệt có những hành vi chống đối, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan thanh tra.
– Hình thức công khai:
+ Việc đăng tải kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.
+ Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo quy định trên, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau:
Thứ nhất, Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
Thứ hai, Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục;
Thứ ba, Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.
Như vậy có thể thấy, hình thức công khai bằng việc đăng trên cổng thông tin điện tử là hình thức bắt buộc có phạm vi rộng toàn xã hội, giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, báo chí đều có thể tiếp cận, thay vì Luật Thanh tra 2010 quy định là hình thức được lựa chọn, nên nhiều đơn vị thanh tra không lựa chọn hình thức này mà lựa chọn hình thức niêm yết công khai tại đơn vị đối tượng thanh tra. Việc lựa chọn này có phạm vi hẹp, các cơ quan báo chí, công dân khó tiếp cận hoặc không tiếp cận được.
– Thời hạn công khai: Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra theo hình thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và một trong các hình thức thứ hai, thứ ba, thứ tư trên.
Do đặc thù của hoạt động thanh tra đánh giá việc chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra là các cơ quan, tổ chức, cá nhân nên tuỳ từng nội dung công khai mà phạm vi, đối tượng được quy định cụ thể. Trong việc công khai kết luận thanh tra, trường hợp những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật thì không được công khai, cụ thể được quy định tại Quyết định 774/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 quy định về danh mục tài liệu mật thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, theo Thông tư 08/2014/TT-BCA-A81 ngày 21 tháng 2 năm 2014 quy định về danh mục bí mật nhà nước độ mật của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương thì kết luận thanh tra có các nội dung được quy định như sau: “Tin, tài liệu, số liệu tuyệt đối về tình hình, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng chưa công bố hoặc không công bố. Tin, tài liệu, số liệu về hoạt động phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương chưa công bố…Ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và ý kiến của Ban Nội chính Trung ương với các ngành trong khối nội chính và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về những vấn đề nhạy cảm thuộc lĩnh vực công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng chưa công bố hoặc không công bố (trừ trường hợp thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật)… nội dung làm việc, trao đổi về những vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị, đối ngoại chưa công bố hoặc không công bố (trừ trường hợp thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật)” thì không công khai với cơ quan, tổ chức, cá nhân, chỉ công bố với đối tượng thanh tra để đối tượng thanh tra biết và thực hiện kết luận thanh tra. Việc không công khai với cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo tránh các thế lực thù địch, phản động kích động người dân ảnh hưởng tới hoạt động quản lý nhà nước, trật tự xã hội, lòng tin của công dân vào Nhà nước, lợi ích quốc gia.
Ngoài việc quy định về hình thức công khai pháp luật cũng quy định cách thức tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân, theo quy định tại Nghị định 120/2006/NĐ-CP và được sửa đổi tại Nghị định 59/2013/NĐ-CP, bao gồm: quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hình thức yêu cầu cung cấp thông tin; thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin; bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử lý các hành vi vi phạm các quy định về yêu cầu cung cấp thông tin.
Như vậy có thể thấy rằng, công khai kết luận thanh tra đã được quy định đầy đủ, chi tiết từ việc quy định công khai nội dung, hình thức, phạm vi, thời hạn thanh tra; quy định những nội dung mật không công khai và quy định quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân, báo chí. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, bảo đảm giám sát hoạt động quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.