Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy
Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Thế giới có khoảng trên 275 triệu người ở độ tuổi từ 15 tuổi đến 64 tuổi từng sử dụng chất ma túy, trong đó khoảng 10% đã nghiện, chiếm tỷ lệ hơn 0,3% dân số thế giới.
Chủ trương, chính sách về tuyên truyền, phòng ngừa ma tuý
Tại Việt Nam, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, khó kiểm soát. Người sử dụng ma túy tăng nhanh, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, diễn ra đối với mọi thành phần xã hội, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn, lái xe. Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 196.110 người người nghiện ma túy là (khoảng 96% là nam giới, 4% là nữ giới), trong đó trên 67,5% người đang sinh sống tại cộng đồng; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện; 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng của ngành Công an; tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy là 50.962 người. Tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 80-95%. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý người nghiện, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, bất bình trong dư luận.
Công tác tuyên truyền phòng ngừa nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo tại nhiều văn bản. Cụ thể:
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có nêu “Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội; hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy trở về hòa nhập cộng đồng”.
Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong đó nhấn mạnh giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó có quy định một trong những công cụ quản lý Nhà nước về phòng, chống ma tuý là “Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy”.
Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, với các mục tiêu: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; tăng cường chỉ đạo làm chuyển biến nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống ma túy, nhất là vai trò của người đứng đầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Một số nhiệm vụ quan trọng của Chương trình: Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy; Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho nhân dân về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, xây dựng chương trình giáo dục, tuyên truyền chuyên biệt cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và động viên những mô hình, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Giải pháp trong thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma tuý nói chung và phòng, chống nghiện ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng, thời gian tới, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ tập trung vào thực hiện Tiểu dự án “Phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” theo Quyết định số 1393/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” với những hoạt động cụ thể như sau:
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy: Rà soát quy định pháp luật về phòng ngừa sử dụng ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam. Khảo sát, đánh giá tình hình sử dụng và nghiện ma túy, thực trạng công tác phòng ngừa nghiện ma túy tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm, phức tạp về ma túy. Đánh giá công tác phòng ngừa nghiện ma túy thực tế hiện nay trên cơ sở sử dụng “Chuẩn quốc tế về phòng ngừa nghiện ma túy” của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC); khó khăn, vướng mắc; đề xuất xây dựng các nội dung về phòng ngừa nghiện ma túy phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa nghiện ma túy (cả tiếng dân tộc thiểu số) gồm nội dung: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ma túy, tác hại của ma túy và cách phòng ngừa sử dụng ma túy; sàng lọc, đánh giá việc sử dụng trái phép chất ma túy; tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy đối với người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép ma túy. Xây dựng mô hình khung về phòng ngừa nghiện ma túy phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam (tại trường học, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng), gồm các nội dung: tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, các điều kiện bảo đảm hoạt động và các nội dung liên quan khác.
- Tuyên truyền, phổ biến; tư vấn, giáo dục về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy
(1) Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến về các loại ma túy; hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; chính sách, pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng, nội dung thông tin có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, gồm: Xây dựng các tài liệu, sổ tay, sách mỏng, các sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản ấn phẩm và các sản phẩm thông tin khác; Tuyên truyền, phổ biến trên không gian mạng, như: đăng tải bài viết, video trên các website chính thống, trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok....; Dán tờ rơi, pano, áp phích,… tại trường học, nơi làm việc, cộng đồng; xây dựng quy chế và phổ biến tại trường học, nơi làm việc.
(2) Tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề tại trường học, nơi làm việc, cộng đồng về ma túy, tác hại của ma túy; chính sách, pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy; chính sách hỗ trợ người sử dụng trái phép chất ma túy, nhóm người có nguy cơ cao đối với ma túy và các nội dung liên quan khác.
(3) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy, ma túy, tác hại của ma túy tại trường học, nơi làm việc, cộng đồng theo nhiều hình thức phong phú, mới mẻ về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên; các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên.
(4) Giáo dục, tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy đối với người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy: Thực hiện công tác tư vấn về tâm lý, giáo dục về pháp luật phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy cho học sinh, sinh viên, người lao động, người dân tại cộng đồng có nguy cơ cao với ma túy; động viên, giúp đỡ để người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động tự quản, hoạt động thể dục, thể thao… để nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức các hội thảo về phòng ngừa nghiện ma túy trong trường học, nơi làm việc, cộng đồng; thông tin về chính sách của trường học, nơi làm việc… Tư vấn, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ để củng cố mối quan hệ trong gia đình, tăng cường sự tham gia của cha mẹ vào quá trình học tập và giáo dục con; kỹ năng cho cá nhân (kỹ năng từ chối, kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng phó với các tình huống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc,…). Phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức cho nhóm cha mẹ, người thân của nhóm nguy cơ cao. Đánh giá, sàng lọc mức độ sử dụng trái phép chất ma túy, thực hiện thông qua các buổi tư vấn, đánh giá riêng biệt hoặc kết hợp với các chương trình sức khỏe khác như khám sức khỏe định kỳ; tư vấn, kết nối người sử dụng trái phép chất ma tuý với các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, xã hội, pháp lý, học nghề, hỗ trợ việc làm,…
- Đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho người thực hiện công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma tuý: Tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về phòng, chống ma túy cho lãnh đạo nhà trường, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng, là những người đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, tư vấn về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy tại nhà trường, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng; Các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng sàng lọc, đánh giá, tư vấn (tâm lý, y tế, pháp lý, xã hội,…) cho người trực tiếp làm công tác phòng ngừa nghiện ma túy của nhà trường, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng; Các khóa tập huấn về mô hình phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy cho lãnh đạo và người trực tiếp làm công tác phòng ngừa nghiện ma túy nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng.
- Áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma túy: Tổ chức đánh giá các điều kiện đảm bảo sự hình thành và hoạt động của mô hình phòng ngừa nghiện ma túy tại địa phương. Áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma tuý tại địa phương với các nội dung chính: tiếp cận người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao với ma túy, tuyên truyền, vận động họ tham gia mô hình phòng ngừa nghiện ma túy; đánh giá, sàng lọc mức độ nguy cơ đối với chất ma túy và tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy. Thực hiện thông qua các buổi đánh giá, sàng lọc riêng biệt hoặc kết hợp với các chương trình sức khỏe khác như khám sức khỏe định kỳ…; tư vấn cho người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao với ma túy về phòng tránh nghiện ma túy, lựa chọn các dịch vụ phòng ngừa nghiện ma túy phù hợp; tư vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; Kết nối để người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao tiếp cận được với các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện tự nguyện, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm,…; tổng kết, đánh giá, tuyên truyền, nhân rộng mô hình phòng ngừa nghiện ma túy có hiệu quả./.
Ngọc Phê - Phòng NCCXH
Sưu tầm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội