°
Đánh giá chất lượng về cung cấp DVC Sở LĐTBXH
44 người đã bình chọn

NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUA 30 NĂM BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Đăng ngày 23 - 06 - 2022
Lượt xem: 362
100%

NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUA 30 NĂM BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

 

Sau khi tái lập tỉnh Ninh Thuận vào tháng 4 năm 1992 lúc bấy giờ cán bộ, công chức của Sở chỉ có 06 người. Năm 1995, Chính phủ quyết định chuyển giao một số nhiệm vụ từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sang ngành khác, Chi cục di dân phát triển vùng kinh tế mới và Chương trình nước sinh hoạt nông thôn trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được bàn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chuyển nhiệm vụ Bảo hiểm xã hội và một số bộ phận khác sang hình thành cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Qua các năm xây dựng củng cố hệ thống tổ chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ tỉnh đến cơ sở, thành lập và bổ sung thêm nhiều phòng chuyên môn, chức năng nhiệm vụ mới, hiện nay Sở có 04 phòng nghiệp vụ thuộc Sở, 03 đơn vị trực thuộc Sở và 07 phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố (tách ra từ phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố trong tháng 5 năm 2008) với tổng số công chức, viên chức và nhân viên của toàn Ngành trong tỉnh trên 291 người[1]; công tác lao động, người có công và xã hội từng bước được ổn định. Chức năng, nhiệm vụ của Ngành được bổ sung, từng bước thực hiện công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực thuộc Ngành quản lý là một trong các lĩnh vực có tính chất tổng hợp cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lẫn xã hội và liên quan trực tiếp đến con người. Trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội đúng đắn, hướng vào phát triển con người, vì hạnh phúc của nhân dân là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, nguồn nhân lực trong công cuộc xây dựng quê hương Ninh Thuận nói riêng và của đất nước nói chung, trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành trên địa bàn tỉnh qua 30 rút ra những thuận lợi, khó khăn như sau:

Từ khi tái lập tỉnh đến nay (tháng 4/1992) với sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới, vấn đề lao động và giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp,v.v.. là những mục tiêu nhiệm vụ quan trọng của Ngành; từ đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách cho các đối tượng, đồng thời tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được tỉnh đặc biệt chú trọng, ngành đã tham mưu, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng các đoàn thể, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, đơn vị xuất khẩu lao động, Tỉnh đoàn tuyên truyền giới thiệu, tư vấn việc làm trong các ngày hội thanh niên, tháng thanh niên, tổ chức Diễn đàn thanh niên; phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tư vấn về việc làm và xuất khẩu lao động cho bộ đội xuất ngũ; đặc biệt là tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 04/CT-TU ngày 23/11/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã tạo sự thay đổi quan trọng trong công tác giải quyết việc làm của tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức tư vấn: trực tiếp, qua điện thoại, trực tuyến qua internet... để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật về ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát các huyện, thành phố thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin nhu cầu lao động hằng năm. Bên cạnh việc giải quyết việc làm trong nước, công tác xuất khẩu lao động và tạo nguồn xuất khẩu lao động tiếp tục dược duy trì và phát triển. Đặc biệt tiếp tục duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm với tần suất tổ chức là 02 phiên/tháng để doanh nghiệp và người lao động tham gia đăng ký tìm việc làm; bằng nhiều giải pháp lồng ghép về kinh tế - xã hội với nhiều nguồn vốn khác nhau, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Từ năm 1992 đến nay đã giải quyết việc làm cho 345.879 lao động, trong đó: Công nghiệp- xây dựng: 88.448 lao động (chiếm 24,96%); Nông, lâm, thủy sản: 167.250 lao động (chiếm 47,20%); Dịch vụ: 98.619 lao động chiếm 27,84%). Qua đó, công tác giải quyết việc làm hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, Năm 1992 giải quyết việc làm cho 4.000 lao động thì đến năm 2021 đã giải quyết việc làm cho 11.237 lao động, tăng gấp 2,8 lần so năm 1992, trong đó đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 1.433 người; bình quân hàng năm giải quyết được 11.926 lao động; cơ cấu lao động làm việc các thị trường như sau: Số lao động làm việc trong tỉnh chiếm 46,3%, lao động đi làm việc ngoài tỉnh chiếm 53,4% và lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động chiếm 0,3% qua từng năm thực hiện. Hoạt động dịch vụ việc làm đã tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bình quân hàng năm từ 675 người năm 1992 lên 15.664 người năm 2021. Cơ cấu lao động trong 30 đã có bước chuyển dịch lao động tích cực năm 1992 lao động ngành nông lâm, thủy sản là chủ yếu chiếm 75,7%; công nghiệp, xây dựng chỉ 5,6% và dịch vụ 18,7%, nhưng đến năm 2021 tỷ lệ tương ứng là: 42,8%; 22,2% và 35,05%. Đạt được những kết quả như trên, trước hết là do trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và các địa phương trong tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ nghiệp vụ các đơn vị liên quan ở Trung ương. Sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua triển khai và thực hiện đã tạo thuận lợi và giúp cho người lao động trong tỉnh tiếp cận được thị trường lao động mới. Tiếp thu công nghệ kỹ thuật lao động, nâng cao tay nghề, khi trở về nước có đủ điều kiện tham gia lao động ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, trước mắt là tăng thu nhập cho gia đình, góp phần vào chương trình giảm nghèo ở địa phương.

Trong những năm qua, ngành luôn chú ý thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về lao động, nguồn lao động; tham mưu tổ chức tốt việc thực hiện chính sách chế độ về tiền lương, tiền công, tiền thưởng đối với người lao động, hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp thực hiện quỹ tiền lương phù hợp từng thời kỳ điều chỉnh tiền lương, phụ cấp trong các doanh nghiệp theo qui định pháp luật, đảm bảo thu nhập hợp lý nhằm kích thích tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt chức năng hòa giải lao động theo pháp luật lao động; Công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Các chế độ, chính sách BHXH, BHYT được giải quyết kịp thời, đúng định mức, đúng đối tượng thụ hưởng; số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT tăng đều qua các năm. Đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 91% dân số tham gia BHYT.

Trong các năm trước đây việc đào tạo nghề nghiệp cho người lao động do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức thực hiện. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội mới nhận nhiệm vụ này từ giữa năm 1999, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên còn hạn chế, ban đầu chỉ có 02 cơ sở có chức năng dạy nghề: Trung tâm KTHNDN Phan Rang và Trung tâm Dịch vụ việc làm đến nay đã phát triển lên 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trong đó, Trường Cao đẳng nghề: 01, Trường Trung cấp: 02, các Trung tâm dạy nghề công lập: 03, Trung tâm dạy nghề ngoài công lập: 06, các cơ sở khác tham gia dạy nghề) với quy mô đào tạo 9.000 người/năm; tổng số đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh hiện có 413 giáo viên tham gia giảng dạy. Trong đó 213 giáo viên cơ hữu và 200 giáo viên thỉnh giảng; hầu hết 100% giáo viên, giảng viên đào tạo đạt chuẩn, trong đó có 30 - 35% đạt trình độ đào tạo trên chuẩn). Tỉnh Ninh Thuận có 1 Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn đầu tư 05 ngành/nghề trọng điểm theo Quyết định số 1769/QĐ-BLĐTBXH ngày 25/11/2019 về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, với 5 nghề trọng điểm và 3 cấp độ cụ thể gồm: 01 nghề Cấp độ Quốc tế; 02 nghề Cấp độ khu vực ASEAN; 02 nghề Cấp độ Quốc gia. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm. Hệ thống cơ sở đào tạo nghề được quan tâm đầu tư mở rộng. Các lớp dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động tại các làng nghề, doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả nhất định, tổng số nghề có trong danh mục ngành nghề lao động nông thôn của tỉnh là 183 nghề, trong đó gồm 136 nghề nông nghiệp, 47 nghề phi nông nghiệp; có 179 giáo viên và người dạy nghề, trong đó có 06 nghệ nhân và 41 lao động có tay nghề cao tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ năm 1992 đến nay đã tổ chức đào tạo nghề cho 166.870 người, số đào tạo tăng dần qua các năm. Năm 1992 tổ chức đào tạo được 228 người đến năm 2020 đã thực hiện đào tạo được 9.429 người, tăng hơn 16 lần so với năm 1992, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,17%, trong đó: Lao động qua đào tạo nghề đạt 45,09%, lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 24,06%. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động sau khi đào tạo đã ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất, kinh doanh,v.v.. tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho bản thân người lao động tại khu vực nông thôn. Đối với các nghề phi nông nghiệp thì tập trung dạy các nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, làng nghề, làm gia công theo sản phẩm,… Đối với nghề nông nghiệp thì tập trung dạy các nghề theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp. Nhìn chung năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ sở dạy nghề, đội ngũ quản lý, giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đảm bảo kiến thức, kỹ năng của người học nên đa số lao động sau khi học nghề được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, tự tạo việc làm hoặc áp dụng vào thực tiển sản xuất để nâng cao năng lực lao động, cải thiện thu nhập.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công và nghị định 28/CP của Chính phủ với hàng loạt các chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực; từ năm 1994 đến nay Ngành đã tham mưu tổ chức triển khai thực hiện công nhận, xác nhận để thực hiện chế độ cho hơn 35.084 hồ sơ tăng hơn 12 lần so năm 1992; số quản lý chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng 3.251 định suất, số hộ chính sách người có công 12.409 hộ, có trên 99,3% hộ người có công với cách mạng có mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; trong thực hiện 5 chương trình tình nghĩa cơ bản đạt tốt như: Chương trình xây dựng công trình ghi công Liệt sĩ hiện có: 01 Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, 6/7 Đài tưởng niệm cấp huyện, 54/65 đơn vị, cấp xã, phường, thị trấn có Đài tưởng niệm, Bia ghi danh Liệt sỹ (trong đó có 05 nhà bia) và có 100% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; đã thực hiện xây dựng và sửa chữa nhà ở 3.039 nhà cho người có công với kinh phí 36,814 tỷ đồng, tỷ lệ người có công có nhà ở ổn định hiện nay đạt trên 90%; chương trình huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa 3 cấp được 36,78 tỷ đồng; 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, các doanh nghiệp phụng dưỡng đỡ đầu với mức hỗ trợ từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng; chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa 2.418 sổ, với kinh phí 27,384 triệu đồng. Ngoài ra, đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu, truy tìm quy tập hài cốt liệt sỹ, thăm tặng quà nhân dịp Lễ, Tết.

Từ năm 1992 đến nay, đặc biệt là từ năm 1998 chương trình xóa đói giảm nghèo đã nâng trở thành chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với nhiều chính sách mới, Ngành đã chủ động phối hợp với các Ngành có liên quan tham mưu chỉ đạo các địa phương và tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, kết hợp nguồn lực địa phương với nhiều giải pháp thích hợp, thiết thực cho từng điều kiện của từng địa phương đã đạt một số kết quả như: Thực hiện các giải pháp chính sách hỗ trợ giảm nghèo đầu tư kinh phí giúp đỡ hộ nghèo vay vốn sản xuất tạo việc làm; thực hiện hỗ trợ kinh phí giảm một phần viện phí cho người nghèo; thực hiện hỗ trợ kinh phí miễn giảm học phí cho học sinh nghèo... Qua 30 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo đã trở thành chương trình hành động của toàn xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách đáng kể qua các thời kỳ của chuẩn nghèo mới từ 1,5-2%; năm 1992 tỷ lệ hộ chiếm 28,13%, năm 2021 còn 4,56% trong đó huyện nghèo 30a-Bác Ái tỷ lệ hộ nghèo còn 23,48%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% xã có điện lưới quốc gia. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo trong chương trình xây đựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước được hoàn chỉnh; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.

Với phương châm không để dân đói, dân khát trong điều kiện thiên tai, bão lũ, hạn hán, công tác cứu trợ đột xuát đã được quan tâm thực hiện, công tác trợ giúp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội hàng năm từ 725 người khi mới tái lập tỉnh đến nay, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng là 27.400 người. Công tác xã hội được xem như một nghề theo Quyết định 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Chính phủ, theo đó Đề án trợ giúp xã hội cho người tâm thần, người rỗi nhiễu tâm thần dựa vào cộng đồng; Đề án trợ giúp cho người khuyết tật,... đã hình thành, tạo điều kiện cho đối tượng yếu thế có điều kiện vươn lên, hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả; Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần được xây dựng mới đi vào hoạt động góp phần thực hiện chính sách nuôi dưỡng người tâm thần, người lang thang tâm thần không nơi nương tựa, tạo vẽ mỹ quan, văn minh cho đô thị, nông thôn mới phát triển. Toàn tỉnh hiện có 05 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, đã và đang nuôi dưỡng, chăm sóc 303 đối tượng.

 Các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh, đã tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động; đã chủ động, chỉ đạo, phối hợp các Sở, ban, ngành đoàn thể trong phòng chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy; phát triển các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình, điển hình tốt, thường xuyên truy quét các tụ điểm, điểm nóng; huy động hệ thống chính trị và các nguồn lực của cộng đồng, tham gia tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát quản lý người sau cai nghiện trở về tái hoà nhập cộng đồng gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm ngay tại xã, phường đã có tác dụng hạn chế tình trạng tái nghiện.

Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được tiếp nhận từ năm 2008 đến nay, được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, các quyền của trẻ em cơ bản được phát huy và bảo vệ,... công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngày càng được cải thiện; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp; công tác bảo vệ trẻ em đã chuyển hướng theo cách tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em. Đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo cho mọi trẻ em có cuộc sống an toàn lành mạnh, phòng ngừa và ngăn chặn sớm tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc dễ bị tổn thương. đã tổ chức 135 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp với 8.735 lượt người tham gia.

Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới được kiện toàn và phát triển; tổ chức Vì sự tiến bộ phụ nữ ở các sở, ngành và địa phương được tiếp tục duy trì và phát triển; việc lồng ghép vấn đề giới vào các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách chung, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được các ngành các cấp và các địa phương quan tâm thực hiện; chính sách về giới và gia đình, bình đẳng giới đã được tôn trọng và thực hiện trên tất cả các hoạt động trong đời sống xã hội và đạt được nhiều sự tiến bộ. Đã tổ chức 91 lớp bồi dưỡng kiến thức bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ cho 7.356 lượt người làm công tác bình đẳng giới tại các Sở ngành, hội đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn tham dự,...

Nhìn lại gần 30 năm việc triển khai thực hiện mục tiêu tổng quát, kết quả thực hiện các chỉ tiêu trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ở tỉnh, đã kịp thời tham mưu, đề xuất thực hiện quán triệt và cụ thể hóa quan điểm của Đảng về đổi mới chính sách lao động, người có công và xã hội:

- Đã phát huy cao nhất nguồn lực con người, lực lượng lao động xã hội; tạo nhiều việc làm và giảm thất nghiệp; Tiếp tục phát huy và tạo điều kiện, cơ hội để mọi người, nam cũng như nữ, được tự do phát triển và cống hiến công sức, tài năng lao động sáng tạo của mình, được hưởng thụ thành quả từ kết quả tăng trưởng, kết quả lao động và hiệu quả kinh tế.

- Từng bước nâng cao vai trò trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò và huy động nguồn lực từ cộng đồng và xã hội trong việc giải quyết các vấn đề lao động, người có công và xã hội theo tinh thần xã hội hóa.

- Trong triển khai thực hiện mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có những thuận lợi là hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội tương đối đồng bộ, luôn được hoàn thiện phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thực hiện và đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tế.

- Phát huy tính sáng tạo, chủ động trong tham mưu đề xuất cho Tỉnh ủy, Hội động nhân dân, Ủy ban nhân dân và đẩy mạnh, tăng cường công tác phối kết hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tham mưu, đề xuất xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chương trình tăng cường nâng cao năng lực đào tạo nghề, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; chương trình hành động phòng chống ma túy và phòng chống tệ nạn mại dâm; kế hoạch hành động bình đẳng giới, chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thực hiện các chính sách an sinh xã hội thuộc Ngành quản lý,... một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà.

Song, qua gần 30 năm việc triển khai thực hiện mục tiêu tổng quát, kết quả thực hiện các chỉ tiêu trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội cũng thể hiện những hạn chế như: Hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp tuy được bổ sung, sửa đổi nhưng chưa theo kịp thực tế; nhiều quy định không sát với thực tế nên khó thực hiện, đồng thời nhiều quy định đến nay có vấn đề không còn phù hợp, cần phải kiến nghị, đề xuất sửa đổi một cách cơ bản cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới; một số lĩnh vực chuyên ngành đã triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa được cao, thiếu các giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề căn bản như: Tình hình thiếu lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế trụ cột; xuất khẩu lao động; thực hiện giảm nghèo bền vững; tình trạng tai nạn thương tích trẻ em... Trong thời gian tới toàn ngành cần tập trung một số giải pháp trọng tâm:

- Ưu tiên phát triển đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc.

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp.

- Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và thân nhân nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và ngày thương binh, liệt sĩ hàng năm. Tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm đảm bảo khang trang.

- Thực hiện các quyền trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.

- Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm sau cai nghiện, chữa trị, giáo dục đối với các đối tượng bảo đảm tái hòa nhập cộng động bề vững nhất./.

 

[1] Trong đó: Cơ quan Sở: 48 người, 03 đơn vị thuộc Sở: 139 người, 07 huyện, thành phố: 43 người và 65 công chức văn hóa xã hội kiêm nhiệm và chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn, 44 công tác viên công tác xã hội

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thông báo công khai Kế hoạch tổ chức đánh giá Chương trình hành động trước khi tiến hành xem xét,...(11/10/2022 7:24 SA)

Phối hợp thông tin để ngăn ngừa lừa đảo về Chương trình lao động nông nghiệp tại Ô – xtơ – rây – lia(23/06/2022 10:26 SA)

HƯỞNG ỨNG “ NGÀY TOÀN DÂN HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN” NGÀY 07/4/2022(20/06/2022 2:39 CH)

Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội(22/02/2022 8:58 SA)

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc thăm, chúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.(27/01/2022 10:18 SA)

161 người đang online