Đổi mới giáo dục nghề nghiệp để thích ứng với thế giới việc làm 4.0
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp để thích ứng với thế giới việc làm 4.0
Nâng cao chất lượng, kỹ năng lao động cho thanh niên luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số thanh niên được đào tạo nghề so với tổng số thanh niên còn thấp (chỉ chiếm hơn 20%). Chính vì vậy, đào tạo nghề cho thanh niên, trong đó có việc nâng cao kỹ năng, năng suất lao động là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập hiện nay.
1. Đào tạo ưu tiên ngành nghề, kỹ năng mới.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đem đến những thay đổi về sản xuất và cơ cấu nhân lực trong thị trường lao động tương lai, khiến thị trường lao động chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới với việc hình thành thế giới việc làm 4.0. Nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề đối với giáo dục nghề nghiệp đang được đặt ra. Bởi, giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực có quan hệ mật thiết, trực tiếp nhất với thị trường lao động. Khác với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có mục đích đào tạo nhân lực từ trình độ sơ cấp trở lên có khả năng làm việc ngay và trực tiếp một công việc cụ thể trong thị trường lao động.
2. Thúc đẩy xu hướng mở rộng giáo dục nghề nghiệp
Trước những cơ hội, thách thức thời đại đang đặt ra, theo nhiều chuyên gia, giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh. Để làm được việc này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra 5 xu hướng để phát triển công tác này thời gian tới.
Trước hết, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các nhóm giải pháp, giải pháp trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo nghề nói chung, cho từng đối tượng cho thanh niên; xây dựng đồng bộ 8 chính sách đã được quy định tại Luật Thanh niên, trong đó ưu tiên việc phổ cập nghề cho thanh niên.
Hình thức giáo dục nghề nghiệp được đa dạng hóa, mở rộng ra cả ở cấp trung học đang là một ưu tiên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường kỹ năng cho nguồn lao động. Do hiện nay nhu cầu về năng suất, cơ hội việc làm đang thúc đẩy xu hướng mở rộng giáo dục nghề nghiệp ngay từ cấp trung học, nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để họ có thể trực tiếp tham gia vào thị trường lao động. Đây là một xu hướng phát triển mạnh mẽ, được thấy rõ ở Việt Nam khi Chính phủ khuyến khích học sinh tham gia giáo dục nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều cơ sở giáo dục đã chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp và phân luồng ngay từ lớp 9.
Xu hướng tiếp theo là: Nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm phát triển kỹ năng năng nghề cho người lao động, thích ứng với sự biến động nhanh chóng trong thế giới việc làm; xây dựng chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Trong thực tế, một số trường nghề đã đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường gắn kết với doanh nghiệp,
Cuối cùng, cần phân luồng, liên thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở là một xu hướng đang được nhiều quốc gia áp dụng góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và áp lực cho xã hội, cũng như tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Trần Thị Hải
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp