TÁM ĐẶC QUYỀN CỦA LAO ĐỘNG NỮ KHI MANG THAI HOẶC NUÔI CON DƯỚI 12 THÁNG TUỔI
TÁM ĐẶC QUYỀN CỦA LAO ĐỘNG NỮ KHI MANG THAI HOẶC NUÔI CON DƯỚI 12 THÁNG TUỔI
1. Không làm việc đêm, không làm thêm giờ, không đi công tác xa
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ:
Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
+ Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
+ Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao độngđối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
3. Tạm thời chưa bị kỷ luật lao động
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019: Lao động nữ đang mang thai hoặc có con dưới 12 tháng tuổi không bị xử lý kỷ luật lao động dù là với bất kỳ hình thức nào như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức hay sa thải.
4. Phép nghỉ 60 phút mỗi ngày trong giờ làm việc
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
5. Đảm bảo việc làm sau khi nghỉ thai sản
Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản. Trường hợp việc làm cũ không còn thì doanh nghiệp phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
6. Lao động nữ không sử dụng trong một số công việc
Nhằm bảo đảm sức khỏe cho lao động nữ, cũng như không bị ảnh hưởng trong công việc, cũng như khả năng làm mẹ, làm vợ, nhà nước đã đề ra danh mục những ngành nghề, công việc mà doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ, bao gồm:
– Những công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con.
– Những công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
7. Hưởng chế độ ốm đau khi con ốm
Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Điều kiện hưởng chế độ ốm đau: Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau khi có con dưới 07 tuổi ốm có xác nhân của cơ sở khám – chữa bệnh có thẩm quyền.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
7.1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
7.2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
8. Phục hồi sức khỏe sau thai sản
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe nêu trên do doanh nghiệp và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do doanh nghiệp quyết định.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
– Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
– Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
– Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Trên đây là quy định của pháp luật hiện hành. Trong thực tế, Nhà nước khuyến khích các Doanh nghiệp quy định có lợi nhiều hơn cho NLĐ thông qua ban hành Thoả ước lao động tập thể của các DN./.
Ngô Huỳnh Duy Lâm