Đảm bảo tính hiệu lực của chính sách bảo hiểm thất nghiệp vì an sinh cho người lao động
Đảm bảo tính hiệu lực của chính sách bảo hiểm thất nghiệp vì an sinh cho người lao động
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tập trung phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuỳ theo từng thời điểm và dựa vào thực tế, đơn vị đã kịp thời và chủ động đề ra những giải pháp hỗ trợ người lao động trong giải quyết thủ tục BHTN, kết nối cung-cầu lao động, đảm bảo cho thị trường lao động vận hành bình thường. Hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHTN của Trung tâm đang ngày càng được tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiệu lực, hiện đại, góp phần phục vụ đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách.

(Doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp)
Để bảo đảm quyền lợi của người lao động trong giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trực tiếp tại Trung tâm hoặc qua đường bưu điện hoặc email, thực hiện tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại, facebook, zalo... Việc tiếp nhận và giải quyết chính sách được quán triệt bảo đảm theo phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian. Để đạt được hiệu quả công việc, Trung tâm đã tăng cường tham mưu với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết hồ sơ bằng quy trình ISO 9001-2015 được Sở phê duyệt trên phân mềm quản lý văn bản của Tỉnh TDoffice và làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh bằng email và các phương thức phù hợp để trao đổi thông tin, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, rà soát các trường hợp tham gia BHXH, BHTN trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp để làm cơ sở xác định tình trạng việc làm của người lao động, hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ BHTN.

(Nhân viên Trung tâm hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trực tiếp)
Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHTN, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện mô hình một điểm đến theo Công văn số 671/CV-CVL ngày 30/6/2017 của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về “Mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm” (Mô hình 671), góp phần giải quyết chính sách BHTN nhanh chóng, hiệu quả; tránh gây phiền hà cho người lao động. Tham mưu điều chỉnh quy trình ISO đáp ứng quy trình xử lý hồ sơ công việc liên quan, tham mưu giải quyết các chế độ BHTN được thực hiện 100% trên môi trường mạng; tham mưu điều chỉnh số tháng bảo lưu đối với các trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng theo chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, sau khi được tham gia tập huấn nghiệp vụ do Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, viên chức và người lao động của Trung tâm đã khẩn trương rà soát, gửi hồ sơ người lao động đủ điều kiện hỗ trợ, trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo đúng quy định; với hồ sơ không đủ điều kiện Trung tâm sẽ gửi thông báo từ chối hồ sơ kèm theo văn bản nêu rõ lý do trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trung tâm đã phối hợp với Thanh tra Sở tham mưu, xây dựng Kế hoạch số 1503/KH-SLĐTBXH ngày 08/6/2023 về việc thu hồi số tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động theo Kết luận thanh tra số 247/KL-TTr ngày 23/9/2022 của Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để thu hồi dứt điểm đối với 37 người lao động có hành vi gian lận, trục lợi từ Quỹ BHTN với số tiền phải thu hồi là 152.190.180 đồng. Kết quả, đã thu từ 34 lao động số tiền 129.782.180 đồng. Về lâu dài, nhiệm vụ này cần có một giải pháp sát thực hơn vì quá trình thực hiện thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp rất khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả ý thức chấp hành pháp luật (của người đã thụ hưởng chính sách) còn hạn chế.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh thuận cũng thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới nhiều hình thức cố định, trực tuyến, trực tiếp tại trụ sở chính và 02 chi nhánh (huyện Ninh Phước và Ninh Sơn), lồng ghép trong các phiên giao dịch việc làm lưu động để người lao động nắm bắt, tìm hiểu và lựa chọn, nhanh chóng quay trở lại làm việc. Đặc biệt, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm online định kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, mất việc làm hoặc có việc làm nhưng việc làm không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có cả người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề có cơ hội nghề nghiệp quay lại thị trường lao động được tiếp cận trao đổi thông tin, tham gia tư vấn, phỏng vấn online với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Phiên giao dịch việc làm đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi giúp cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động phù hợp để nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển doanh nghiệp.

(Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận tổ chức phiên giao dịch việc làm cố định hàng tháng)
Bên cạnh nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm thì tỉnh Ninh Thuận cũng xác định công tác tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề có ý nghĩa rất quan trọng giúp người lao động thất nghiệp nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có cơ hội tìm được việc làm. Công tác tư vấn cho người lao động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân khi tái hòa nhập thị trường lao động cũng được quan tâm, triển khai theo cụm dân cư ở các huyện, thành phố, chủ động trong theo dõi và cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và những vị trí việc làm còn trống ở các doanh nghiệp, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động để tạo nguồn phục vụ cho công tác cung ứng và giới thiệu việc làm cho người lao động. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố đánh giá, phân loại, tổng hợp các nhu cầu của doanh nghiệp và trình độ, tay nghề của lao động để tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề phù hợp với thị trường lao động và hiệu quả. Phối hợp thông tin giữa các tỉnh, các địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Theo thống kê hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 3.526 người, đã thẩm định hồ sơ và trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ký, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.140 người với tổng số tiền chi trả hơn 56 tỷ đồng. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng BHTN đạt: 11.090 lượt người.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm, qua đánh giá tình hình thực hiện BHTN những tháng đầu năm, có thể nhận thấy tỷ lệ người lao động chấp nhận quay lại thị trường làm việc, tham gia học nghề sau khi được tư vấn ban đầu và tư vấn, giới thiệu việc làm hàng tháng chưa cao vì tâm lý của người lao động khi đăng ký BHTN là có đóng có hưởng, chưa chú trọng tìm kiếm việc làm mới, học nghề mới để quay lại thị trường lao động. Số liệu thống kê chi trả thể hiện rõ điều này, với tổng số tiền chi trả trợ cấp tương đối lớn nhưng số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có 13,5 triệu đồng cho 03 người có quyết định hỗ trợ học nghề.

(Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm tại phiên giao dịch việc làm cố định)
Riêng vấn đề này, cũng theo ông Phan Thanh Sơn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ việc đào tạo nghề, đào tạo lại, nhanh chóng quay lại thị trường lao động và tìm được công việc phù hợp. Đặc biệt, Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN, thì mức hỗ trợ học nghề được nâng lên 1.500.000 đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 06 tháng/khóa… đây là những chính sách rất cởi mở, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động, thể hiện đầy đủ tính nhân văn của chính sách BHTN đã và đang trở thành điểm tựa, góp phần chia sẻ khó khăn cho người lao động và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Thời gian đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hướng dẫn người lao động lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được thuận lợi, nhanh chóng, áp dụng Mô hình 671 trong tiếp nhận và giải quyết các chế độ chính sách BHTN, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề giúp người lao động chấp nhận không nộp hồ sơ hưởng BHTN và quay lại thị trường làm việc theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo ngân hàng việc làm đa dạng, phong phú phù hợp với trình độ người lao động. Công tác tuyên tryền cũng sẽ được tăng cường trên cơ sở phát triển đa dạng các hình thức tuyên truyền, tạo sự lan toả sâu rộng, góp phần đưa chính sách đến gần hơn với nhân dân và người lao động. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người lao động đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc theo dõi, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động, kiểm tra, rà soát các trường hợp chưa thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền chưa được thu hồi, các trường hợp chưa ra quyết định chấm dứt, thu hồi (do chưa thu thập được HĐLĐ/HĐLV)… cũng là nhiệm vụ công tác trọng tâm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận trong các tháng cuối năm 2023./.
Nguồn: Tạp chí Lao động và Xã hội