Hội nghị sơ kết 02 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Hội nghị sơ kết 02 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong 02 ngày, từ ngày 23 - 24/3/2023 tại thành phố Cần Thơ, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025.

                Tham dự Hội nghị có bà Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, lãnh đạo Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), đại biểu các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội; Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của 32 tỉnh, thành phố phía nam. 

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đàm Thị Minh Thu - chủ trì Hội nghị đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và các địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống ma túy, mại dâm nói riêng. Trong 2 năm 2021-2022, tuy ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nhưng theo Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội luôn chủ động và tích cực thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025).

Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội nghị

Các tỉnh, thành phố đã kịp thời ban hành Kế hoạch của ngành, lĩnh vực và địa phương nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ngày 05/5/2021 và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, Cục trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như một số quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân, chưa đảm bảo tính bền vững, thống nhất với tình hình thực tiễn như trợ cấp khó khăn ban đầu, đào tạo nghề, đối tượng hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa được quy định cụ thể. Do đó, bà Đàm Thị Minh Thu đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá tình hình triển khai văn bản quy phạm pháp luật, các Quyết định của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và UBND các tỉnh, thành phố; làm rõ những kết quả đã đạt được; cũng như chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm, dự báo những khả năng, tình huống trong giai đoạn 2023-2025.

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 đó là:

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và hoàn thiện các văn bản dưới Luật. Thực hiện các nghiên cứu làm cơ sở đầu vào cho việc sửa đổi chính sách về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, quy trình hỗ trợ nạn nhân, chế độ chính sách, đặc biệt là việc thời gian hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân).  

- Rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (dịch vụ tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe, tâm lý, pháp lý, văn hóa, việc làm, học nghề, vay vốn,...) từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý và kỹ năng chuyển tuyến liên ngành trong hỗ trợ nạn nhân.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy các tỉnh, thành phố đã chia sẻ những kết quả đã đạt được về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, thảo luận về những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, cơ sở; nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong thời gian tới./.

Nguyễn Văn phương - Phòng NCCXH