Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi

Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác giảm nghèo đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó cần phải đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến 2030. 

Đại dịch covid-19 là “phép thử” quan trong trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.(Ảnh minh họa)

Nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hệ thống chính sách hướng tới mục tiêu giảm nghèo được đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn.

Mới đây (tháng 7/2022), tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bá Hoan cho hay, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

“Báo cáo nghèo đa chiều 2021” là kết quả nghiên cứu được Bộ LĐTB&XH, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS). Báo cáo này nhấn mạnh, trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào.

Đặc biệt, Báo cáo chỉ rõ, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Điều đáng chú ý là, trong khi tỷ lệ nghèo về thu nhập luôn thấp hơn tỷ lệ nghèo đa chiều trong thập kỷ qua, thì nay khoảng cách giữa hai tỷ lệ này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn 0,6 điểm phần trăm vào năm 2020. Năm 2014, cứ 10 người thì có một người nghèo về thu nhập, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong giai đoạn trước đại dịch Covid – 19.

Tuy nhiên, theo đánh giá trong báo cáo này, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Một số liệu đáng chú ý trong “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” là tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào DTTS còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra thì 20% nhóm đồng bào DTTS thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%.

Việc làm là chỉ số quan trọng trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều.

Theo ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, một thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà còn tâm lý trồng chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo; đại dịch Covid-19 xảy trong 2 năm vừa qua là một “phép thử” rõ nhất. Hơn nữa, dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.

Đổi mới cách tiếp cận

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh tiêu chí nghèo; từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu... Từ năm 2016, chuẩn nghèo đa chiều với các tiêu chí nhận diện là thu nhập và 5 chỉ tiêu (10 chỉ số) về thiết hụt các dịch vụ xã hội đã được áp dụng để đo lường tình trạng nghèo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, việc áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã hỗ trợ rất lớn trong xây dựng, triển khai và đo lường sự thành công của chính sách dân tộc. Để giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS được quan tâm sâu sắc.

Giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo được nâng lên tầm cao mới, với việc áp dụng chuẩn nghèo cao hơn giai đoạn trước theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Chuẩn nghèo giai đoạn này được nhận diện ở tiêu chí thu nhập và 6 chỉ tiêu (12 chỉ số) dịch vụ xã hội cơ bản, đã nâng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng từ 5,2% năm 2020 lên 9,35% năm 2022.

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để đạt mục tiêu này thì cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thiên tai là thách thức lớn trong mục tiêu giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, trong Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến 2030, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo; tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý. Đồng thời hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; hỗ trợ các mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh…

“Nếu trước đây việc hỗ trợ cho người nghèo là riêng lẻ theo từng hộ gia đình, thì nay sẽ tập trung vào hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng; phát triển và nhân rộng các mô hình; dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp… Việc thay đổi cách thức hỗ trợ giảm nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương là cách chúng ta thực hiện tốt các mục tiêu mới trong giai đoạn tới”, ông Thắng khẳng định.

Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, dù đã đạt được những thành tựu nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 3,74%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh bình quân là 20,88% so với tổng số hộ thoát nghèo. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, một số xã vẫn còn hơn 40% hộ nghèo, có nơi còn đến 60%; một số huyện còn đến 40 - 50% hộ nghèo.

 

 

Thuận Joanh-Phó Trưởng phòng NCCXH

Bộ LĐTBXH