Hội thảo “Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp của cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động đến năm 2025”
Hội thảo “Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp của cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động đến năm 2025”
Sáng ngày 25/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp của cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động năm đến năm 2025”. Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo; cùng tham dự Hội thảo có ông Juergen - Giám đốc điều phối của Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên Bang Đức (GIZ) tại Việt Nam và các thành viên; các sở, ban ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo UBND, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hình 1: Toàn cảnh Hội thảo
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với hơn 400 giáo viên tham gia giảng dạy; quy mô đào tạo trên 9.000 người/năm. Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và thị trường lao động, các cơ sở giáo dục không ngừng đổi mới, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo. Thông qua gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trên địa bàn tỉnh. Từ việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Ninh Thuận đạt khoảng 87%, với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Trong đó, các nhóm ngành Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp và Cơ điện tử, 100% sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận tạo việc làm bình quân 16.000 lao động/năm, trong đó xuất khẩu lao động 150 lao động/năm, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, chú trọng đào tạo văn hóa nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động.
Tại hội thảo, đại diện tổ chức GIZ, các sở, ngành có liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận và chia sẻ những mô hình, cách làm hay trong công tác gắn kết chặt chẽ giữa môi trường đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, cũng như thông tin dự báo nhu cầu lao động trên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh đang thiếu hụt lao động...
Hình 2: Đồng chí Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Biên, – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ đồng thời đem lại lợi ích cho cả ba bên. Trong xu thế hiện nay, việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là một tất yếu, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; ngoài việc đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng để tạo ra một đội ngũ người lao động có trình độ cao tham gia thị trường lao động với kỹ năng nghề cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, đã chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm bền vững cho người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ, y tế đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực năng lực tái tạo vẫn còn thiếu cả về chất lượng và số lượng. Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành liên quan tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2025 Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trở thành trường Cao đẳng chất lượng cao. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ thành lập Hội đồng kỹ năng nghề cấp tỉnh để đẩy mạnh chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025. Đồng chí Nguyễn Long Biên cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, cân đối nhu cầu đào tạo và việc làm, đảm bảo cung – cầu lao động cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.
Quang Truyền-Phòng LĐGDNN