Những điểm mới trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

Những điểm mới trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (viết tắt là Nghị định 116/2021/NĐ-CP) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ; Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ; Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ; Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ; Nghị định số 94/2011/NĐ-CP ngày 18/10/2011 của Chính phủ; Nghị định số 136/203/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ; Nghị định số 80/2018/NĐ-CP ngày 17/5/2018 của Chính phủ và Chương III Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH.

Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ban hành nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản công tác cai nghiện. Đặc biệt Nghị định đã quy định 6 nội dung lớn về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Thứ nhất, về quy trình cai nghiện ma túy: Trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, lần đầu tiên quy trình cai nghiện ma túy với 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội được quy định thành 1 chương, với các nội cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, đồng thời, cũng quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy phải được thực hiện theo quy trình cai nghiện này ở tất cả các hình thức, biện pháp cai nghiện.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo tính thống nhất, khoa học và thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay, khắc phục tình trạng các cơ sở cai nghiện do không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự nên không thực hiện đầy đủ quy trình, dẫn đến chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy hiện nay chưa được như mong muốn.

Thứ hai, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng: Cai nghiện ma túy là hoạt động mang tính chuyên môn, phải được thực hiện bởi các đơn vị có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự (cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy) đảm bảo theo quy trình cai nghiện thống nhất. Do vậy, các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng của Nghị định được xây dựng theo hướng người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký và tự nguyện cai nghiện; các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy phối hợp với gia đình, cộng đồng thực hiện việc hỗ trợ người nghiện ma túy trong suốt thời gian cai nghiện.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự của cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy và trình tự, thủ tục đăng ký, công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy.

Để bảo đảm việc bố trí, huy động các nguồn lực hiện có tham gia, hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, một trong các điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy được cụ thể hóa trong Nghị định là thay đổi cơ quan chủ trì tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ UBND cấp xã (trước đây) sang chủ tịch UBND cấp huyện; đồng thời, quy định rõ nội dung quản lý cai nghiện tự nguyện của UBND cấp xã.

Để đảm bảo các điều kiện tổ chức cai nghiện, chính sách khuyến khích, động viên người nghiện tự nguyện cai nghiện, Nghị định quy định cụ thể chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện, chế độ hỗ trợ đối với người tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Thứ ba, về cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện: Để đảm bảo sự thống nhất trong việc thực hiện quy trình cai nghiện ma túy, Nghị định không chia việc cấp phép hoạt động cai nghiện ma túy ra từng giai đoạn như trước kia (cấp phép theo 3 giai đoạn thực hiện của quy trình nghiện), mà chỉ cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện; cơ sở chỉ được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện (không phân biệt cơ sở tư nhân và cơ sở công lập).

Nghị định này cũng đã thể hiện rõ quan điểm phân cấp, phân quyền trong việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện: Giao việc cấp giấy phép hoạt động cai nghiện tự nguyện, quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy do tổ chức, cá nhân thành lập (cơ sở tư nhân) cho sở LĐTB&XH (hiện hành là thẩm quyền của Bộ LĐTB&XH).

Về chính sách khuyến khích, động viên hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy, Nghị định quy định cụ thể đối tượng, chính sách, chế độ hỗ trợ khi họ tự nguyện cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập

Để tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, Nghị định quy định cụ thể hơn về hợp đồng dịch vụ cai nghiện, cũng như quyền, trách nhiệm của cơ sở cai nghiện, người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở này.

Thứ tư, cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên (biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc): Để đảm bảo tính thống nhất, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, Nghị định quy định cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự của cơ sở cai nghiện ma túy (lộ trình đến 1/1/2024 tất cả cơ sở cai nghiện trong toàn quốc phải đáp ứng điều kiện này). Điều 6 NĐ 116.

Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được chi tiết trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan (UBND, cơ quan công an, cơ quan LĐTB&XH) trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục này.

Thứ năm, cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính): Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với tinh thần đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ sáu, về quản lý sau cai nghiện ma túy. Mặc dù quản lý sau cai nghiện ma túy không phải là một giai đoạn của quy trình cai nghiện nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì kết quả cai nghiện ma túy thông qua việc quản lý, hỗ trợ của gia đình, của chính quyền và các tổ chức đoàn thể nơi người sau cai nghiện cư trú. Thực tế cho thấy, việc quản lý sau cai nghiện tập trung (tại các cơ sở quản lý sau cai nghiện) không đem lại hiệu quả. Người sau cai nghiện cần được hỗ trợ, giúp đỡ từ chính gia đình, chính quyền, cộng đồng nơi họ cư trú để hòa nhập cộng đồng. Do vậy, ngoài việc quy định trình tự, thủ tục Nghị định đã quy định cụ thể hơn về nội dung quản lý sau cai nghiện; trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước để họ từng bước tạo dựng sinh kế, hòa nhập xã hội./.

Lê Văn Hiểu - Thanh tra Sở