Tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và hướng dẫn theo dõi, giám sát Quyết định số 782/QĐ-TTg

Tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và hướng dẫn theo dõi, giám sát Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Có thể nói đại dịch Covid-19 qua đi đã để lại muôn vàn nỗi đau cho nhân loại trên toàn thế giới về vật chất lẫn tinh thần, trong đó trẻ em cũng bị ảnh hưởng một phần sau đại dịch. Nền kinh tế của thế giới nói chung và của người dân nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh mất việc làm, kinh tế giảm sút, cha mẹ di cư đi nơi khác làm ăn,... điều này ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ em về ăn uống, học tập, trẻ em không có điều kiện sống tốt đảm bảo sự phát triển của trẻ em, nhiều em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thậm chí trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật để kiếm sống hoặc kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em sau đại dịch nói riêng, chính phủ Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc để triển khai các hoạt động, hình thức, giải pháp để giúp đỡ và bảo vệ trẻ em. Qua đó, các hoạt động hỗ trợ đã được triển khai dưới mọi hình thức thông qua tuyên truyền, hỗ trợ chính sách, hỗ trợ đột xuất,...Tuy nhiên, mọi biện pháp hỗ trợ thường chỉ mang tính tạm thời, khẩn cấp, nhất là công tác hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một trong những hệ lụy để lại mà trẻ em phải gánh chịu là khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội trong tương lai còn kém, khả năng ứng phó với các vấn đề xã hội có thể xảy ra đối với các em sẽ hạn chế, trẻ em dễ sa ngã vào môi trường không phù hợp với sự phát triển của trẻ em hoặc thậm chí rơi vào các hình thức tệ nạn xã hội, lao động sớm,...

Là một người làm công tác bảo vệ trẻ em, tôi luôn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến trẻ em, nhất là các vấn đề về quyền của trẻ em, những mối nguy hại có thể xảy ra đối với trẻ em như trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em không được hưởng các quyền cơ bản cũng như những yếu tố giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, ngày 16/6/2022 đến ngày 18/6/2022 vừa qua, tôi được Sở tạo điều kiện cho tôi được tham gia lớp tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và hướng dẫn theo dõi, giám sát Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự lớp tập huấn có sự tham gia của cán bộ phụ trách lĩnh vực trẻ em cấp tỉnh và cấp huyện đến từ 17 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Qua lớp tập huấn, các học viên chúng tôi được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến lao động trẻ em và người chưa thành niên do các chuyên gia chia sẻ. Trong đó, có thực trạng, nguyên nhân và hậu quả liên quan đến vấn đề lao động trẻ em hiện nay; các quy định của pháp luật Quốc tế và Việt Nam trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; quy trình can thiệp và trợ giúp các trường hợp lao động trẻ em. Cũng tại buổi tập huấn, mọi người đã cùng nhau bàn giải pháp thực hiện kế hoạch hành động phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Với phương châm "Sẻ chia, học hỏi, thành công", các học viên được tiếp cận phương pháp giảng dạy tích cực, chia nhóm thảo luận và trình bày nội dung đã tiếp thu tại buổi tập huấn.

 

      

Ảnh: Học viên lớp tập huấn thảo luận nhóm

 

Thông qua đó nhằm giúp cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, được nâng cao nhận thức, tiếp cận tổng thể về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và cách thức phối hợp thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại địa phương mình.

Mỗi chuyến công tác, mỗi khóa tập huấn về bảo vệ trẻ em đều để lại cho tôi một nỗi niềm trăn trở riêng, bản thân được học tập, được chia sẻ kiến thức về trẻ em đã thôi thúc tôi nên làm điều gì đó góp một phần nhỏ nhoi trong công tác bảo vệ trẻ em, để trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, tiếp cận thông tin giúp trẻ em biết cách tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm xảy ra trong cuộc sống cũng như các em hiểu được quyền mà các em được thụ hưởng và bổn phận các em phải làm.

Tuy nhiên, thực tế trong cuộc sống còn nhiều trẻ em sinh ra trong gia đình mà cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em không đủ khả năng hoặc điều kiện để đảm bảo cuộc sống đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em. Nhiều em phải nghỉ học để lao động, mưu sinh kiếm sống hoặc theo cha, mẹ, người thân đi làm ăn, kiếm thu nhập cho gia đình, hoàn cảnh khó khăn đã tước đi phần nào quyền cơ bản mà lẽ ra các em phải được thụ hưởng, chưa kể đến các em không được vui chơi, được tham gia, được hỗ trợ để phát triển toàn diện. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ trẻ em một phần, phần lớn là do gia đình hoặc người chăm sóc trực tiếp trẻ em. Do vậy, công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng ngừa trẻ em lao động trái quy định pháp luật nói riêng là công tác mang tính lâu dài và đa chiều, nó liên quan đến hỗ trợ các vấn đề khác nhau cho các đối tượng khác nhau (không riêng trẻ em) về mặt sinh kế, nhận thức pháp luật hoặc quy mô hơn là sự phát triển về mặt kinh tế - xã hội,...và quan trọng hơn hết là sự vào cuộc của toàn xã hội vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, là chủ nhân tương lai của đất nước, xứng đáng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ tránh những điều không tốt làm tổn hại đến nhân phẩm cũng như thể chất của các em./.

Y Vân-Chuyên viên phòng NCCXH